Bến Lộc An và những chuyến hàng chiến lược

Tháng 7-1959, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 759 làm nhiệm vụ mở đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí cung cấp cho chiến trường miền Nam. Bến Lộc An được chọn là điểm tiếp nhận 3 chuyến hàng với hơn một trăm tấn vũ khí cung cấp cho miền Nam trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
Bia di tích đường Hồ Chí Minh trên biển được xây dựng tại bến Lộc An hiện nay. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
Bia di tích đường Hồ Chí Minh trên biển được xây dựng tại bến Lộc An hiện nay. Ảnh: Báo BR-VT.
Bến Lộc An nay thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm bên cửa sông Ray. Hai bên sông Ray là rừng nguyên sinh, ngập mặn, nối liền với rừng Bình Châu, Phước Bửu và hệ thống rừng già rộng lớn ở phía Bắc và Tây Bắc. Lộc An cách cửa Cần Giờ chừng 20 km - một trong những cửa sông có vị trí chiến lược quan trọng nhất của miền Đông Nam bộ.
Lộc An có ưu thế vượt trội là biển liền rừng, núi hiểm trở, luồng lạch sông sâu. Do địa hình rừng núi ngăn cách nên mạng lưới bố phòng của địch mỏng. Nhân dân vùng Xuyên Mộc, Long Đất có truyền thống cách mạng, dũng cảm, kiên cường chiến đấu, một lòng một dạ phục vụ kháng chiến đến cùng.
Ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cửa biển Lộc An đã nằm trong tuyến giao thông nối liền miền Đông Nam bộ với miền Bắc. Tháng 9-1946, cách cửa Lộc An 5km về phía Bắc, chiếc ghe chở hàng gồm vũ khí và 400.000 đồng của Trung ương chi viện cho Bà Rịa đã cập bến Hồ Tràm an toàn. Từ năm 1952, vùng biển Lộc An là địa bàn hoạt động của Tiểu đoàn 320 với nhiệm vụ vận chuyển hàng cho chiến trường miền Đông Nam bộ. Với vị trí địa lý thuận lợi, nhân dân trong vùng có truyền thống cách mạng, Lộc An hội tụ các yếu tố “địa lợi, nhân hoà” bảo đảm cho những chuyến tàu chở vũ khí cập bến an toàn nhất.
Con tàu gỗ đầu tiên cập bến Lộc An rạng sáng 3-10-1963 mang số hiệu 41 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng và đồng chí Đặng Văn Thanh làm chính trị viên. Trong đoàn còn có 2 thủy thủ Nguyễn Sơn và Thôi Văn Nam là ngư dân xã Phước Hải từng mở đường ra Bắc vào tháng 2-1962. Sau 10 ngày đêm lênh đênh trên biển (tàu xuất phát ngày 23-9-1963 tại đảo Cát Bà, Hải Phòng), vượt qua muôn ngàn khó khăn thử thách với danh nghĩa là ghe đánh cá đã cập bến an toàn mang theo 20 tấn vũ khí cho miền Nam. Số vũ khí này bổ sung cho các lực lượng vũ trang chủ lực Miền và các tỉnh miền Đông; đồng thời trang bị cho quân dân địa phương tiến công giải phóng ấp chiến lược, tạo hậu phương cho chiến dịch Bình Giã… Bằng lòng dũng cảm, sự mưu trí, bình tĩnh, linh hoạt và thông thạo luồng lạch địa hình, 600 cán bộ chiến sĩ đoàn vận tải 1500 và nhân dân địa phương đã bốc dỡ toàn bộ 20 tấn vũ khí lên bờ và đưa vào kho bãi cất giấu giữa ban ngày một cách an toàn trước hệ thống bủa vây dày đặc của địch.
Chuyến tàu thứ hai cập bến Lộc An là một con tàu sắt mang số hiệu 56, chở 44 tấn vũ khí. Sau hơn 20 ngày đêm vượt biển, con tàu sắt đầu tiên đã cập bến đêm 22-12-1964, do đồng chí Nguyễn Quốc Thắng làm thuyền trưởng. Tàu đã vào bến nhưng không thấy hoa tiêu đón, 2 thủy thủ người địa phương là Nguyễn Văn Thanh và Trần Hoàng Phủ được lệnh lên bờ nối liên lạc. Một trung đoàn bộ binh chủ lực Miền từ phía Nam Xuân Sơn đã hành quân về Phước Bửu để tiếp nhận, vận chuyển và bảo vệ 44 tấn vũ khí về căn cứ. Lúc này chiến dịch Bình Giã vừa kết thúc đợt I. Chỉ còn 5 ngày nữa, chiến dịch Bình Giã giai đoạn II nổ ra. Số vũ khí này kịp thời bổ sung cho bộ đội ta bước vào giai đoạn II của chiến dịch và góp phần làm nên chiến thắng Bình Giã, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Chuyến hàng thứ 3 của đoàn tàu không số cập bến Lộc An vào đêm giao thừa năm Ất Tỵ (ngày 1-2-1965), với 70 tấn vũ khí, do đồng chí Lê Quốc Thân làm thuyền trưởng. Sau khi cập bến, chuyến hàng chiến lược này được trang bị cho các đơn vị chủ lực miền Nam vừa tham gia chiến dịch Bình Giã và cấp phát cho bộ đội địa phương các tỉnh miền Đông, góp phần làm nên nhiều chiến thắng vang dội ở Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng trong mùa hè năm 1965.

Bến Lộc An đã đi vào lịch sử những con tàu không số, trở thành điểm tiếp nhận 3 chuyến hàng chiến lược quan trọng, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng lịch sử vang dội. Bến Lộc An cùng những chuyến hàng chiến lược là niềm tự hào, là truyền thống cách mạng anh hùng của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Nguồn: baobariavungtau

No comments:

Post a Comment