Kỹ năng thoát khỏi những ao xoáy tử thần trên biển

Ao xoáy là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn đuối nước cho khách tắm biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT). Hiểu biết nguyên nhân, cơ chế hình thành, cách thoát khỏi ao xoáy… là cách bảo vệ tính mạng hiệu quả nhất cho người tắm biển.
Khu vực cắm cờ đen là vùng có ao xoáy. Du khách không nên tắm biển ở vùng cấm này.
Khu vực cắm cờ đen là vùng có ao xoáy. Du khách không nên tắm biển ở vùng cấm này.
Theo lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ bãi biển, tất cả các vùng biển của BR-VT, từ Bình Châu - Hồ Cốc - Hồ Tràm - Lộc An - Long Hải đến Cửa Lấp - Bãi Sau ao xoáy hình thành, dịch chuyển quanh năm. Tuy nhiên, số lượng, kích thước ao, mức độ nguy hiểm cho người tắm biển do ao xoáy gây ra tùy thuộc vào mùa gió. Từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch hàng năm, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh từ biển vào tạo hướng đến của sóng một góc 25o với đường bờ bãi biển. Từ đây, những cuộn sóng đến và những cuộn sóng rút xuống va chạm vào nhau làm dịch chuyển mạnh một lớp cát dày trên bề mặt tạo thành những lỗ trũng trên biển. Ao xoáy hình thành trong khoảng thời gian này thường rất lớn và sâu, có thể dài 260m và sâu gần 1,5m. Khi biển động mạnh, ao xoáy có thể dịch chuyển khoảng 4m/ngày đêm. Ao xoáy hình thành vào mùa gió Tây Nam (từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch) thường nhỏ và nông hơn ao xoáy mùa gió Đông Bắc, do gió nhẹ biển êm.
Theo Tiến sĩ Bùi Quốc Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ INOVA, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu nguyên nhân và cơ chế hình thành ao xoáy khu vực Bãi Sau và đề xuất giải pháp xử lý ao xoáy”, khi tiến hành khảo sát trên toàn tuyến Bãi Sau vào mùa gió Đông Bắc, có khoảng 74 ao xoáy, với mật độ trung bình là 7 ao/1km bãi biển. Các ao xoáy có hình dạng khác nhau, có thể gần bờ hoặc xa bờ, chủ yếu hình thon dài, miệng ao nằm gần bờ và hướng về đất liền, đuôi ao rộng và hướng ra khơi. Có ao xoáy cố định, nhưng cũng có ao dịch chuyển do sự biến đổi phức tạp các hướng gió mùa, độ lớn thủy triều... Đáng chú ý, ao xoáy là vùng trũng nên nơi đây đã gây tích tụ chất thải làm ô nhiễm môi trường ở các bãi tắm và tạo thành những cái “bẫy” chết người đối với khách tắm biển. Bởi những ao xoáy này lúc thủy triều lên bằng mắt thường không thể nhận biết, chỉ khi tiếp cận, cát dưới chân lở nhanh, người lọt thỏm xuống do bị lực xoáy hút vào, người không biết bơi sẽ chìm nhanh và ngộp nước, còn người biết bơi nếu mất bình tĩnh, cố vùng vẫy thoát ra thì càng đuối sức và sẽ bị dòng nước cuốn hút.
Hiện tại, để cảnh báo du khách vùng có ao xoáy, lực lượng cứu hộ bãi biển thường xuyên theo dõi vị trí, sự dịch chuyển của chúng và tổ chức cắm cờ đen báo hiệu vùng nguy hiểm cấm tắm biển. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân như: Dòng chảy biến đổi phức tạp, thái độ chủ quan của khách nên nhiều tai nạn đuối nước vẫn xảy ra do lọt vào ao xoáy. Theo những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề cứu hộ bờ biển, khi tắm biển cần tuyệt đối tránh xa vùng có cờ đen và chấp hành nghiêm các chỉ dẫn của lực lượng cứu hộ. Trong lúc tắm biển, nếu cảm giác nước xoáy mạnh, cát dưới chân sụt dần có nghĩa là đang lọt vào ao xoáy, cần nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực. Ao xoáy thường nông ở phần cửa và sâu dần về phía đuôi. Nhưng do phần đuôi của ao xoáy luôn hướng ra biển nên khi thủy triều xuống nhanh hoặc sau mỗi đợt sóng đập vào bờ kéo nước ra, lực hút từ các ao xoáy rất lớn. “Người biết bơi nếu rơi vào vùng xoáy, cần bình tĩnh, thả lỏng người, giữ cho cơ thể nổi. Theo quán tính, người tắm biển sẽ bị đẩy ra rất xa bờ nhưng khi thoát khỏi dòng nước ấy, chỉ cần hít thở đều rồi từ từ bơi vào bờ sẽ an toàn tính mạng”, anh Huỳnh Thanh Sơn, gần 35 năm làm cứu hộ bờ biển thuộc Ban quản lý các khu du lịch TP.Vũng Tàu nói.
Ngoài ao xoáy, một số vùng biển trên địa bàn tỉnh còn các hiện tượng tự nhiên khác đe dọa tính mạng người tắm biển như dòng chảy xa bờ, dòng hải lưu lạnh… “Khi tắm biển cần tuân thủ các biển bảng chỉ dẫn, cảnh báo của lực lượng cứu hộ. Nếu tắm xa bờ, nên bơi theo nhóm để được trợ giúp kịp thời khi gặp phải sự cố. Nhưng quan trọng hơn hết là cần trang bị kiến thức về đặc điểm vùng biển trước khi đi du lịch”, ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP. Vũng Tàu, nhắc nhở.
Bài, ảnh: ĐAN CHÂU
ANH NGUYỄN HOÀNG ĐỊNH, DU KHÁCH ĐẾN TỪ TP. HỒ CHÍ MINH:
Cần tuyên truyền đến du khách cách thoát khỏi ao xoáy
Tôi đã từng một lần chết hụt do lọt vào ao xoáy khi tắm biển Vũng Tàu. Hôm đó, tôi đang bơi ở bãi Thùy Vân, tự nhiên cảm giác nước hút mạnh kéo tôi ra xa. Càng cố bơi vào bờ lại càng bị đẩy ra. Nhờ bạn bè kêu cứu, may mà các anh cứu hộ có mặt cứu kịp. Giờ nhớ lại, tôi vẫn còn sợ. Tôi nghĩ cơ quan quản lý bãi biển cần có hình thức phổ biến cho du khách cách xử lý khi lọt phải ao xoáy. Việc làm này rất cần thiết, vừa giúp du khách bảo vệ tính mạng của họ và giảm thiểu tai nạn do tắm biển gây ra.

No comments:

Post a Comment