Xông xáo trên đường lập nghiệp


Tuổi trẻ phải làm gì để bắt đầu lập nghiệp? Đó là phải biết xông xáo, dám nghĩ, dám làm, có ý chí và luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Theo anh Trần Minh Hiếu (xã An Nhứt, huyện Long Điền) mô hình "Gia công chăm sóc hoa lan" giúp tiết kiệm 70% chi phí so với đầu tư vườn trồng lan.
THÀNH CÔNG TỪ SỰ KHÁC BIỆT
Mới 22 tuổi, nhưng anh Trần Minh Hiếu ở ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền đã được nhiều người biết đến với mô hình "Gia công chăm sóc vườn lan". Ý tưởng về mô hình này được hình thành trong thời gian anh vừa học tại trường Đại học Nông Lâm (TP. Hồ Chí Minh) vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học ở công ty Hoàng Giáp - một công ty chuyên bán hoa lan. Dù công việc kinh doanh của công ty khá ổn định, nhưng công ty Hoàng Giáp cũng như nhiều cửa hàng, công ty kinh doanh cây cảnh khác gặp phải một khó khăn cần giải quyết, đó là vấn đề tồn đọng hàng.

6044.zip
Để giải quyết vấn đề tồn đọng hàng, công ty có 2 lựa chọn, một là lập vườn chăm sóc đến khi cây ra hoa đưa về bán tiếp; tuy không lỗ vốn nhưng cần nhiều chi phí mà không phải người chủ nào cũng có khả năng thực hiện và nếu chăm sóc không bảo đảm kỹ thuật, cây sẽ không phát triển tốt. Cách thứ hai nhanh nhất là bán thanh lý với giá rẻ, nhưng không bảo đảm lợi nhuận. Từ thực tế đó, Trần Minh Hiếu đã suy nghĩ và đưa ra mô hình "Gia công chăm sóc vườn lan", nhận gia công chăm sóc những cây lan không bán được từ các cửa hàng, công ty.
Tháng 11-2011, anh Hiếu vay 25 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh và mượn thêm 50 triệu đồng từ cha mẹ, bạn bè để xây dựng 250m2 vườn chuyên trồng hoa lan bảo đảm các điều kiện, trang thiết bị phòng ngừa sâu bệnh trên cây lan. Thời gian đầu, anh trồng thử nghiệm các loại hoa lan. Đến tháng 6-2012, anh nhận gia công 60kg lan ngọc điểm, 3.000 cây Dendrobium Sonia, 500 cây Dendrobium Pear 2000, 50kg lan hài hồng và lan hài táo, 300 thân giã hạc Hawaii trắng và tím, 300 cây lan vũ nữ baby và tai lừa... từ các cửa hàng, công ty. Sau 1 năm chăm sóc, anh giao lại lan cho khách hàng với thỏa tuận ăn chia 6/4 (trả cho chủ 6 cây, giữ lại 4 cây - hầu hết số cây này cũng được chủ mua lại). Lợi nhuận anh thu về khoảng 60 triệu đồng, ngoài ra, trong quá trình gia công, anh Hiếu còn có thu nhập từ việc cắt cành hoa bán cho các cửa hàng hoa. Thời gian tới, anh sẽ đầu tư xây dựng nhà kính để tăng quy mô gia công hoa lan và chăm sóc hiệu quả hơn. Mô hình "Gia công chăm sóc vườn lan" đạt giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2013 của Báo Doanh nhân Sài Gòn sau khi thuyết phục Ban giám khảo với phần kiến thức và kỹ năng chuyên môn rất tốt trong lĩnh vực trồng và sản xuất hoa lan.
Cũng thành công từ sự khác biệt như anh Hiếu, nhưng anh Nguyễn Phúc Hải ở khu phố Thanh Tân, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ thực hiện mô hình "Trồng và chăm sóc khoai mì trên đất cát" - loại đất không phù hợp cho trồng khoai mì. Năm 2012, sau khi được tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, anh đã vay mượn và huy động nguồn vốn của bạn bè và gia đình để thuê 17ha đất cát bạc màu bỏ hoang của người dân tại 3 xã: Phước Long Thọ, Láng Dài và Phước Hội để trồng khoai mì. Theo anh Hải, trồng mì trên đất cát chỉ cần chọn vùng đất cao dễ thoát nước và bón nhiều phân, trị sâu bệnh kịp thời, cây mì sẽ phát triển tốt. Qua hơn 6 tháng trồng và bán sản phẩm, anh thu về 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi 130 triệu đồng. Ngoài ra, anh hiện đang thuê và trồng 2ha cây tràm trên đất cằn tại khu vực Lồ Ồ, xã Phước Long Thọ, sau 2 năm trồng sẽ cho lợi nhuận khoảng 110 triệu đồng. Thành công từ mô hình "Trồng và chăm sóc khoai mì trên đất cát" của anh Hải cho thấy, người dân có thể canh tác tăng thu nhập trên những vùng đất cát bạc màu.
Anh Trần Minh Hiếu, anh Nguyễn Phúc Hải là 2 trong 6 thanh niên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013 của Trung ương Đoàn vừa qua. Họ đã chứng minh một điều, muốn lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống phải biết chủ động trong suy nghĩ và hành động.
ĐỪNG TRÔNG CHỜ, Ỷ LẠI
Hiện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu tuyển dụng của các công ty, xí nghiệp, các khu công nghiệp rất lớn. Nhưng nhiều sinh viên khi ra trường lại không tìm được việc làm, có người tốt nghiệp 2 năm vẫn thất nghiệp, có những thanh niên chỉ muốn làm việc kiếm tiền liền nên làm thuê, làm mướn những công việc không ổn định, không chịu học nghề. Nguyên nhân là do họ không chọn học những ngành nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, mà suốt ngày chỉ biết than nghèo kể khổ, trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của người thân.
Theo ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" đang diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều người khi tốt nghiệp lớp 12 chỉ muốn học đại học chứ không chịu học nghề mà không chú ý đến nhu cầu việc làm của xã hội. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng, đa số người được nhận vào là người ngoài tỉnh, còn người lao động trong tỉnh không có khả năng đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 32 nghề để người dân lựa chọn. Ngoài ra, tại tỉnh có trường Cao đẳng nghề, đào tạo nhiều nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế cảng biển, công nghiệp hỗ trợ cần nhiều lao động, chưa kể trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu và một số trường trung cấp nghề khác cũng đào tạo nhiều ngành nghề theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Do đó, các thanh niên nếu chủ động tìm hiểu và xác định mục tiêu nghề nghiệp tương lai của mình; chọn học những ngành, nghề mà nhu cầu thị trường lao động cần thì khả năng giải quyết việc làm sau khi ra trường là rất lớn. Những thanh niên không có tiền đi học, có thể vay theo chương trình cho vay học sinh sinh viên (từ 800 ngàn đồng đến 1,1 triệu đồng/tháng) từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề.
Bài, ảnh: NGỌC NGUYỄN
ANH TRẦN MINH HIẾU, XÃ AN NHỨT, HUYỆN LONG ĐIỀN Sẵn sàng chia sẻ mô hình với các thanh niên có ý chí lập nghiệp
Để có mô hình "Gia công chăm sóc vườn lan", tôi đã trải qua những ngày tháng tự xin việc làm tại các vườn lan lớn, học hỏi cách chăm sóc lan cùng với những kiến thức, những lần thực nghiệm thất bại tại trường Đại học Nông Lâm. Nếu các bạn thanh niên thích mô hình này, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn để thực hiện tại địa phương.
Trồng và chăm sóc hoa lan tạo nguồn thu cao nhưng yêu cầu kỹ thuật và nguồn vốn lại là những khó khăn không dễ vượt qua. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức Đoàn thể nên có nhiều chương trình hỗ trợ cho vay vốn, tăng cường hoạt động tham quan mô hình trồng hoa đạt hiệu quả cao, tập huấn kỹ thuật để người dân có thể thực hiện nhằm phát triển kinh tế.

No comments:

Post a Comment