Một số Kỷ Lục Việt Nam trên đất Bà Rịa-Vũng Tàu xưa nay - Phần II

4. Trận địa pháo cổ lớn nhất Việt Nam (1895-1897).



Trận địa pháo cổ hay gọi chính xác hơn là Phòng tuyến của thực dân Pháp ở Vũng Tàu, được xây dựng từ năm 1895-1897, với 23 cổ đại bác có cở đạn từ 140-300mm, nòng dài từ 5-12m, bố trí thành ba cụm pháo đài tại phía Nam núi Nhỏ (11 khẩu, theo tài liệu), Cầu Đá-vịnh Hàng Dừa (4 khẩu) và phía trên Bãi Dâu-núi Lớn (8 khẩu, theo tài liệu). Ba cụm pháo đài này hợp thành một phòng tuyến vững chắc bảo vệ cửa Cần Giờ. Có thể nói đây là hệ thống pháo đài cổ, kiên cố và lớn nhất của Pháp còn lại ở Việt Nam (và cả Đông Dương). Nếu được tôn tạo đây cũng có thể trở thành điểm du lịch độc đáo nhất của Việt Nam.




5. Vũng Tàu, thành phố du lịch đầu tiên của Việt Nam (1895).

Ngày 1-5-1895, Phó Toàn quyền Đông Dương (kiêm Thống đốc Nam Kỳ) đã ban hành nghị định thành lập thành phố Vũng Tàu, nhằm tạo cho Vũng Tàu “một cơ sở pháp lý” để đầu tư xây dựng thành một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng. Với ý định đó, Vũng Tàu là thành phố thứ ba được chính quyền Pháp ở Đông Dương ra nghị định thành lập và là thành phố du lịch đầu tiên của Việt Nam được xác định trong văn bản pháp lý và triển khai xây dựng trên thực tế. (Trước đây có người cho rằng Đà Lạt là thành phố du lịch đầu tiên của Việt Nam. Thực ra, năm 1893, Yersin phát hiện cao nguyên Lang Bian, nhưng năm 1899, công việc xây dựng Đà Lạt mới bắt đầu được khởi động và từ năm 1914, Toàn quyền Đông Dương mới bố trí ngân sách chính thức để xây dựng Đà Lạt).


Sự hình thành của đô thị Vũng Tàu không giống với các đặc điểm chung của đô thị Việt Nam. Vũng Tàu không hình thành từ một trung tâm chính trị hay kinh tế-thương mại của khu vực... Vũng Tàu là thành phố du lịch đầu tiên của cả nước.



6. Sân gôn đầu tiên của Việt Nam (1923).

Sau khi thành lập thành phố du lịch Vũng Tàu, người Pháp đã xây dựng và tổ chức tại đây nhiều hình thức vui chơi giải trí thuộc vào hàng sớm nhất của Việt Nam, như đua xe đạp, đua ngựa, chơi tennis… và cả món chơi hạng sang mà dân Việt Vũng Tàu lúc đó gọi là Cù Ăng lê (golf).

Sân gôn Vũng Tàu được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1923, tại khu vực phía sau Chợ Cũ của Vũng Tàu, tức là khoảnh đất thuộc đường Trưng Nhị, Đồ Chiểu, Lê Lai và đoạn giữa đường Lý Thường Kiệt bây giờ. Đây vốn là khu đất của làng Thắng Tam, được người Pháp thuê lại để làm nơi giải trí cho công chức người Pháp, người Anh (làm việc ở Sở dây thép thủy) và sĩ quan Pháp. Bên cạnh sân gôn này còn có 2 sân tennis (cũng là một trong những nơi có sân tennis sớm nhất của Việt Nam).


7. Tượng Chúa Kitô cao nhất Việt Nam (32m).


Tượng Chúa Kitô do Giáo hội Thiên Chúa giáo xây dựng năm 1974 (hoàn thiện 1993). Tượng cao 32m, sải tay dài 18,4m, hai bàn tay tượng dài 2,2m, ngón giữa dài 1m. Bên trong tượng có có cầu thang xoắn ốc, gồm 133 bậc. Ánh sáng chiếu vào lòng tượng qua hệ thống cửa sổ chữ “Thọ” theo phong cách Á Đông.

Phía trước bệ trang trí bức phù điêu phỏng theo tác phẩm “Bữa tiệc li biệt” của danh họa Ý Léonard de Vinci, phía sau là bức tranh phỏng theo tác phẩm “Đức Chúa trao chìa khóa cho Phêrô”.

Mặc dù làm bằng bê tông, bên ngoài tô đá rửa, nhưng những đường nét nghệ thuật, cách thể hiện hết sức mềm mại và sinh động. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và nghệ thuật cổ điển tôn giáo với bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo cho Tượng Chúa Kitô núi Nhỏ Vũng Tàu thực sự là một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo tầm cở của khu vực. Đây là bức Tượng Chúa Kitô cao nhất thế giới, hơn cả bức Tượng Chúa Kitô ở Rio de Janeiro (Brazin) vốn do hai Giáo hội của Brazin và Argentina hợp tác xây dựng năm 1922, nhân dịp 100 năm Quốc khánh Brazin (cao 30m, sải tay dài 30m, nặng 700 tấn).

No comments:

Post a Comment