Nghi thức Hội - Phần I


HƯỚNG DẪN
THỰC HÀNH NGHI THỨC HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM
(có điều chỉnh và bổ sung)

Nghi thức Hội là hệ thống những quy định về nghi thức, thủ tục, đội hình, đội ngũ được áp dụng chính thức cho sinh hoạt và hoạt động của tổ chức Hội LHTN Việt Nam. Nhằm góp phần rèn luyện, giáo dục hội viên - thanh niên biết tôn trọng, yêu mến tổ chức Hội và cùng xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Đồng thời tạo sự thống nhất chung,đáp ứng nhu cầu hoạt động thanh niên và những quy định cần thiết để nâng cao tính tập thể, có nề nếp tạo sức mạnh đối với tổ chức Hội cùng đoàn kết thống nhất hành động.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG NGHI LỄ

I/ NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA HỘI LHTN VIỆT NAM:
- Ngày truyền thống của Hội là ngày 15/10 hàng năm.
- Hội nghị Ủy ban TW Hội LHTN Việt Nam họp tại Hà Nội vào cuối tháng 02/1993 đã thống nhất quyết định chọn ngày 15/10/1956 làm ngày truyền thống của Hội LHTN Việt Nam. Cùng với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Hội đã lập nhiều thành tích vẻ vang vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp đổi mới của đất nước. Truyền thống Hội được thể hiện và khẳng định trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên Việt Nam:
+ Yêu nước, đi theo Đảng, theo Đoàn Thanh niên, vì tương lai và hạnh phúc tuổi trẻ Việt Nam.
+ Đoàn kết, chung sức chung lòng hành động vì nghĩa lớn, vì Tổ quốc kêu gọi.
+ Lao động, học tập và rèn luyện để hoàn thiện bản thân và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
+ Học tập, giao lưu quốc tế.
II/ BÀI HÁT CHÍNH THỨC CỦA HỘI:
- Hội ca: Hội chọn lời một của `bài hát “Lên đàng” làm Hội ca.
+ Nhạc: Lưu Hữu Phước
+ Lời: Huỳnh Văn Tiểng
- Bài hát ra đời khá lâu, có truyền thống lịch sử oai hùng, đã thôi thúc bao đồng bào cùng các tầng lớp thanh niên trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tiến lên giành chính quyền cách mạng (1945) đến đại thắng mùa xuân (1975) đất nước được thống nhất.
- Bài hát “Lên đàng” được áp dụng (hát) trong các nghi lễ của Hội với giai điệu, tiết tấu hùng mạnh, sôi nổi (theo nhịp đi).
III/ BIỂU TRƯNG CỦA HỘI:
1- Ý nghĩa từng phần:
- Hình tròn: Thể hiện ước mơ tiến đến sự hoàn thiện, đoàn kết, thân ái.
- Màu xanh: Thể hiện sự thanh bình.
- Đường ngang: Thể hiện chân trời mới.
- Đường hình chữ S: Tượng trưng đất nước Việt Nam (bản đồ) kết hợp ghép nền màu xanh bên trái thể hiện cho sự hòa bình.
- Ngôi sao: Thể hiện định hướng chính trị, lý tưởng của Tổ quốc.
2- Ý nghĩa chung:
Biểu trưng của Hội với đường nét đơn giản, hiện đại màu sắc hài hòa thể hiện sự đoàn kết, thân ái; động viên lớp trẻ hướng đến tương lai: Vì Tổ quốc Việt Nam XHCN giàu mạnh và văn minh, vì cuộc sống hạnh phúc, hòa bình của thanh niên Việt Nam.
3- Màu sắc:
- Đường vòng tròn, đường ngang, chữ S, ngôi sao và chữ thanh niên Việt Nam: màu xanh đậm.
- Phần nền khu vực ngôi sao, nền trong ngôi sao : màu xanh hòa bình.
- Phần nền bên phải chữ  S và nền chữ Thanh niên Việt Nam : màu trắng.
4- Cách sử dụng:
Biểu trưng Hội dược sử dụng làm phù hiệu, huy hiệu; in (thêu) trên vải (cờ) thẻ hội viên và các loại thẻ, công văn có liên quan.
* Chú ý: Không được vẽ, cách điệu hoặc thêm bớt vào biểu trưng những nội dung, đường nét khác làm mất giá trị và ảnh hưởng đến tính nghiêm túc đối với biểu trưng của Hội. Mặt khác khi in (vẽ) cần chính xác hình chữ S, ngôi sao (đúng theo mẫu) và thể hiện đúng màu sắc quy định.
IV/ CHÀO HỘI :
Hội quy định cách chào tay nhằm thể hiện sức mạnh, sự tôn trọng và ý thức trách nhiệm đối với tổ chức Hội. Động tác chào được áp dụng ở 02 trường hợp sau:
+ Chào trong nghi lễ : Chào cờ, báo cáo, tuyên thệ.
+ Chào trong sinh hoạt : khi gặp nhau, xã giao, giao tiếp.
V/ LỜI HỨA:
Lời hứa Hội viên được áp dụng trong các nghi thức chính của Hội. Người hô đứng tư thế nghiêm:
 “Vinh dự là người hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trước tập thể chi hội (CLB,đội, nhóm…) tôi (chúng tôi) xin hứa:
+ Là công dân tốt của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ Hội, giữ gìn uy tín và thanh danh của Hội”.
- Tất cả cùng hô to: “Xin hứa”
(Cùng giơ thẳng nắm tay phải từ ngực trái lên cao qua khỏi đầu – 01 lần)
VI/ KHẨU HIỆU :
Được áp dụng trong nghi lễ chào cờ hoặc nghi lễ chính thức của Hội.
- Người hô trong tư thế đứng nghiêm, hô to:
“ Vì Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh và văn minh” – Thanh niên !
- Đáp : “Tiến !
(Cùng giơ thẳng nắm tay phải từ ngực trái lên cao qua khỏi đầu – 01 lần)
VII/ NGHI THỨC CHÀO CỜ TRONG HỘI:
Chào cờ là nghi lễ quan trọng, thể hiện tính trang nghiêm, hùng dũng của tổ chức Hội. Chào cờ có tác dụng giáo dục Hội viên - Thanh niên biết tôn trọng yêu mến Tổ quốc, yêu mến tổ chức Hội; nguyện đi theo lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
1- Nghi lễ chào cờ:
- Sau khi ổn định, người điều khiển hô to: “Nghiêm ! Chào cờ ! Chào”
(chỉ thực hiện động tác theo Nghi thức Hội khi mặc đồng phục Hội hoặc có đeo huy hiệu Hội).
- Người điều khiển hô : “Quốc ca”
(Tất cả hội viên - thanh niên bỏ tay xuống và cùng hát Quốc ca).
- Sau khi  hội viên hát Quốc ca xong, người điều khiển hô tiếp : “Hội ca” 
(Tất cả cùng hát bài Lên Đàng - lời 01).
- Hô khẩu hiệu:
”Vì Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh và văn minh -Thanh niên !”
- Đáp: “Tiến !”
* Ghi chú:
- Người điều khiển đọc lời mặc niệm trước khi hô khẩu hiệu tùy tính chất của buổi lễ.
- Phút sinh hoạt truyền thống (có thể thay thế cho phút mặc niệm): thực hiện sau khi hô khẩu hiệu.
- Chào cờ được tổ chức trong hội trường hoặc ngoài trời, cần chú ý việc rước cờ Tổ quốc đến vị trí sân lễ: cờ cầm tay có cán, cờ kéo lên cột cờ, cờ đã treo sẵn. 
- Tổ chức hướng dẫn lễ rước cờ, cầm cờ, kéo cờ (thống nhất và thực hành cụ thể).
2- Các hình thức nghi lễ trong chào cờ:
a- Nghi lễ chào cờ trong hội trường, sân khấu ngoài trời
- Nếu đã có sẵn cờ nước, cờ mang biểu trưng Hội: thực hiện nghi lễ chào cờ như hướng dẫn ở trên (không thực hiện nghi lễ rước cờ).
- Nếu không có sẵn cờ nước, cờ mang biểu trưng Hội: thực hiện nghi lễ rước cờ trước rồi thực hiện nghi lễ chào cờ như hướng dẫn ở trên.

b- Nghi lễ chào cờ trong đội hình chữ U
- Trước khi tiến hành nghi lễ chào cờ cần có sự phân công các thành viên trong chi hội tham gia thực hiện các nội dung trong đội hình cờ.
- Chi hội trưởng sau khi triển khai đội hình xong, di chuyển ra giữa đội hình so cự ly, sau đó bước xuống 2/3 đội hình, quay đằng sau hướng về phía cờ và điều khiển phần nghi lễ chào cờ như hướng dẫn ở trên cùng với nghi lễ rước cờ hướng dẫn ở mục sau.

c- Nghi lễ chào cờ  trong đội hình hàng dọc hoặc nhiều đơn vị, chi hội
- Trước khi tiến hành nghi lễ chào cờ cần có sự phân công các thành viên trong chi hội tham gia thực hiện các nội dung trong đội hình cờ (nếu có).
- Chi hội trưởng sau khi triển khai đội hình xong, di chuyển ra giữa đội hình, sau đó quay đằng sau hướng về phía cờ và điều khiển phần nghi lễ chào cờ như hướng dẫn ở trên cùng với nghi lễ rước cờ hướng dẫn ở mục sau.

3- Các tư thế của cờ:
- Tư thế nghiêm: người trong tư thế nghiêm, tay phải nắm cán cờ, khoảng ngang thắt lưng, lòng bàn tay áp sát vào thắt lưng. Tay trái, chân, người trong tư thế nghiêm.
- Tư thế nghỉ: chân trái khụy, tay phải (tay cầm cờ) đưa ra trước, hơi chếch về phải khoảng 45 độ.
- Tư thế vác cờ: cờ đặt trên vai phải, phần cờ tính từ đỉnh cờ đến hết cờ nằm sau lưng người vác cờ, lá cờ được buông ngược xuống đất. Phần cán cờ còn lại, tính từ đót cờ lên đến mí cờ nằm phía trước, trên vai phải. Tay phải gần thẳng, nắm sát đót cờ, tay trái tạo thành góc vuông trước mặt nắm cán cờ. Thân cờ hơi chúi xuống đất (so với vai khoảng 15 đến 30 độ).
- Tư thế chào cờ: tay phải nắm đót cờ, lòng nắm tay áp sát thắt lưng, vai phải thẳng. Tay trái tạo thành góc vuông trước mặt nắm thân cờ, nắm bàn tay ngửa. Tư thế nghiêm. Đỉnh cờ hướng về trước, thân cờ so với thân mình khoảng 45 độ, hướng lên.
- Chuyển từ tư thế nghiêm lên tư thế chào cờ :
+ Cờ trong tư thế nghiêm, dùng tay phải đưa thẳng cờ ra trước mặt (thế cờ đứng), tay phải ngang vai.
+ Tay trái nắm cán cờ, phía trên tay phải.
+ Rút tay phải xuống nắm lấy đót cờ, rút tay phải áp sát vào thắt lưng.
+ Tay trái tạo thành góc vuông trước mặt (theo tư thế cờ chào).
- Chuyển từ tư thế chào cờ sang tư thế vác cờ:
+ Tay phải đẩy đót cờ ra trước bụng và đẩy dần cờ lên trên ngang vai, theo hướng qua trái, tay phải thẳng.
+ Tay trái thẳng, đánh ngược qua phải, đưa cờ lên vai, trở về tư thế góc vuông trước mặt.
- Chuyển từ vác cờ sang tư thế chào cờ : ngược lại với tư thế từ chào cờ sang vác cờ .
- Chuyển từ tư thế vác cờ về tư thế nghiêm: nếu đang từ vác cờ phải chuyển qua tư thế chào cờ, rồi về tư thế nghiêm.
- Chuyển từ tư thế chào cờ về tư thế nghiêm:
+ Cả 2 tay đồng thời đưa thẳng ra trước, tạo thân cờ đứng trước mặt.
+ Tay phải đưa lên trên nắm cán cờ phía trên tay trái.
+ Tay trái buông ra về tư thế nghiêm, tay phải rút cờ về tư thế nghiêm.
4 . Các hình thức rước cờ:
a. Rước cờ (cờ khiêng): số lượng người khiêng cờ là 4 hoặc 6 hội viên tuỳ kích thước cờ, số lượng hội viên và tính chất buổi lễ.
- Người điều khiển hô: Nghiêm, rước cờ.
- Đội cờ đi đều, song song nhau ra giữa đội hình, các thành viên trong đội cờ làm động tác quay bên phải (trái)  đối diện với đội hình chào cờ.
- Người điều khiển hô: Chào cờ, chào.
- Những thành viên hàng phía trước thực hiện động tác ngồi trên gót hoặc đứng, tuy nhiên cờ phải được để trên vai của những người đứng trước. Những thành viên phía sau bước lên 1 bước và thực hiện động tác đưa thẳng tay qua khỏi đầu, mặt được che khuất bởi cờ.
- Sau đó, trình tự buổi lễ tiếp theo theo đúng hướng dẫn.
- Kết thúc buổi lễ, người điều khiển hô: Thôi, đội cờ di chuyển vào trong theo đúng động tác cá nhân trong nghi thức.
* Lưu ý: Phải quy định đội cờ xếp đội hình sau khi chào cờ xong, như phía sau lùi 1 bước, phía trước đứng lên, quay bên phải (trái), các thành viên phía sau sang phải (trái) 1 bước, cờ được đưa ngang vai đi đều vào trong
b. Rước cờ (có cán cờ):
- Người điều khiển hô: Nghiêm, rước cờ.
- Người cầm cờ di chuyển ra vị trí trong tư thế vác cờ, khi ra đến vị trí, người cầm cờ chuyển qua tư thế giương cờ.
- Người điều khiển hô: Chào cờ, chào.
- Sau đó, trình tự buổi lễ tiếp theo đúng hướng dẫn.
- Kết thúc buổi lễ, người điều khiển hô: Thôi, người cầm cờ chuyển về tư thế vác cờ và di chuyển ra ngoài đội hình.

* Lưu ý:
- Trường hợp chỉ có 1 cờ nước: thực hiện như hướng dẫn trên.
- Trường hợp có cờ nước và cờ mang biểu trưng Hội: cờ nước luôn đi trước, cờ mang biểu trưng Hội đi sau.
- Khi vào đến giữa đội hình 2 cờ cùng thực hiện động tác quay bên Phải (trái), người cầm cờ nước bước lên phía trên 1 bước, đồng thời chuyển 2 cờ sang tư thế chào cờ.
VIII. ĐỒNG PHỤC:
1. Áo:
Màu xanh lam đậm. Vải áo có tỷ lệ 65% cotton; 35% polyeste; cổ đúc to bản, đệm cổ cứng, không gảy nát khi giặt; có đỉa vai, có 2 túi ngực (gồm cả 2 loại cộc tay và dài tay). Áo được may ở các kích cỡ khác nhau theo hệ số chuẩn quốc tế.
Lôgô áo hình tam giác được đặt ở phía trước. Lôgô phía trước được đặt trang trọng trên ngực áo phía trái, phù hiệu cờ đỏ, sao vàng và hàng chữ “Thanh niên Việt Nam”.
2. Quần:
Màu xanh tím than thẫm. Vải Pangrim; 100% cotton; phía trước có 1 ly, túi chéo, phía sau có túi hậu. Quần được may ở các kích cỡ khác nhau theo hệ số chuẩn quốc tế. Lôgô quần hình ngũ giác cân đối, được đặt cách túi phía trái dưới đườn chỉ cạp quần. Trên phù hiệu chữ V là dòng chữ “TNVN” (nghĩa là “Thanh niên Việt Nam”).
(Áo và quần đồng phục được đính một loại cúc riêng về màu sắc, quy cách và trên các hàng chữ “TNVN” – Thanh niên Việt Nam).
3. Mũ (nón):
Lưỡi trai (kết) hoặc mũ tai bèo có in (cài) biểu trưng của Hội LHTN Việt Nam.
4. Giầy:
Loại bata vải tiện lợi trong sinh hoạt (màu trắng, xanh, nâu).
Đồng phục của Hội mặc trong sinh hoạt, dự họp (hội nghị) của Hội và các nghi lễ của Hội. Ngoài ra Hội dồng Huấn luyện có đồng phục riêng do TW Hội quy định và cấp phát.

No comments:

Post a Comment