Một số Kỷ Lục Việt Nam trên đất Bà Rịa-Vũng Tàu xưa nay - Phần III

8. Tỉnh có nhiều bến cảng nhất:

Từ năm 1890, người Pháp đã đưa ra dự án xây dựng một tiền cảng ở Vũng Tàu. Vì lý do ngân sách, mãi hơn 5 năm sau, dự án trên mới được thực hiện vào năm 1896. Tiền cảng Vũng Tàu là một con đê dài hơn 400m, chân đê rộng 15m, mặt đê rộng 4m, được kè đá và đổ bê tông (khoảng 50.000m3), chạy dài từ mũi phía Bắc núi Nhỏ ra cửa biển, ôm lấy bãi Trước (khi ấy gọi là Cocotiers-vịnh Hàng Dừa), với chi phí vật tư 45.000 quan. Đây là hải cảng hiện đại đầu tiên ở Việt Nam, nhưng do thiết kế sai và bị cơn bão Giáp Thìn (1904) phá hoại hoàn toàn.



Hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có số lượng bến cảng nhiều nhất (10 cảng lớn):
- Các cảng dọc theo sông Dinh, gồm có: Cảng dầu khí Vũng Tàu (gồm 3 cầu tàu với tổng chiều dài 1.387m, có khả năng tiếp nhận tàu dài 100m, mớn nước 5m); Cảng dầu khí PTSC (gồm 2 cầu tàu, tổng chiều dài 370m, có khả năng tiếp nhận tàu dài 250m, mớn nước 7m); Cảng xăng dầu K2 (có cầu tàu dài 330m, có khả năng tiếp nhận tàu dài 100m, trọng tải 5.000 tấn); Cảng quân sự (dài 300m); Cảng thương mại (công suất 300.000 tấn/năm, dài 250m, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 5.000 tấn); Cảng Cát Lở (dài 110m, chuyên cung cấp phương tiện phục vụ hậu cần cho nghề đánh bắt hải sản).


- Các cảng dọc theo sông Thị Vãi: Cảng Besia Serece (dài 300m, mướn nước 12m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 60.000 tấn); Cảng Nhà máy Điện Phú Mỹ (dài 175m, công suất 200.000 tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 tấn).



- Cảng Côn Đảo: Cảng Bến Đầm (dài 336 m, chủ yếu phục vụ hậu cần cho nghề đánh bắt hải sản); Bến cảng cầu tàu Côn Đảo (dài 110m).


Ngòai ra, còn rất nhiều cảng nhỏ phục vụ đánh bắt hải sản tại Bến Đình, Phước Tỉnh v.v…

9. Những chuyến xe tốc hành chất lượng cao đầu tiên.

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, lần đầu tiên ở Việt Nam những chuyến xe tốc hành, chất lượng cao chạy tuyến Vũng Tàu-thành phố Hồ Chí Minh được ra đời phục vụ khách hàng. Đó là lọai xe 12 chỗ ngồi, chất lượng tốt do các hãng xe hơi Nhật sản xuất. Sau khi tuyến xe khách Vũng Tàu-Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng lọai hình dịch vụ vận tải này, nhiều tuyến xe tốc hành khác cũng lần lượt ra đời.

Cũng cần nói thêm, gần 100 năm trước thời điểm trên, vào những năm cuối thế kỷ XIX, tuyến xe ô tô khách Sài Gòn-Chợ Bến-Vũng Tàu là một trong những tuyến xe khách xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam.

10. Sân đua chó duy nhất ở Việt Nam.

Từ ngày 7-5-2000, sân vận động Lam Sơn-Vũng Tàu (sức chứa 5.000 người) chính thức trở thành nơi diễn ra lọai hình giải trí đua chó hào hứng và hấp dẫn vào những ngày cuối tuần. Đây là trường đua chó duy nhất tại Việt Nam và là trường đua chó thứ hai ở châu Á. Đường đua dài 460m. Những chú chó đua thuộc giống Greyhound, mắt sáng, chân dài, bắp thịt cuồn cuộn, bụng thon, mõm dài, ức nở được tuyển chọn từ nước ngòai và chăm sóc theo tiêu chuẩn đặc biệt tại phường Long Tòan, thị xã Bà Rịa. Chó Greyhound thi đấu có trọng lượng trung bình từ 27-38kg, có thể chạy nhanh với tốc độ 60km/h.


Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, trường đua chó Lam Sơn-Vũng Tàu có chất lượng tương đương với những trường đua chó hạng nhất tại Australia. /.

No comments:

Post a Comment