Lục lại bài báo cũ của Báo Pháp Luật đăng ngày 04/05/2012. Cùng đọc và chia sẻ với nhau về dân vũ nhé.
Dân vũ ở Việt Nam được biết đến như một loại thuốc công hiệu để chữa bệnh “nghiện game”. Nhận xét này đã thúc đẩy chúng tôi tìm đến anh Nguyễn Hoàng Sơn, giảng viên-Giám đốc đào tạo ATY, một trong những người đã tìm tòi và truyền đam mê dân vũ đến thanh thiếu niên.
Mọi người cùng nhảy
. Anh có thể chia sẻ một vài điều về loại hình dân vũ này?
+ Dân vũ là điệu nhảy từ dân gian mà mọi người đều có thể nhảy được, không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp,…
Dân vũ có thể chia làm ba loại: Thứ nhất, dân vũ lễ hội (bài Cà chuatrong lễ hội ném cà chua ở Tây Ban Nha, bài Té nước trong lễ hội té nước ở Thái Lan)…; thứ hai, dân vũ trong đời sống, hoạt động của người dân biến thành các động tác trong điệu nhảy (bài Rasa Sayangcủa Malaysia thể hiện việc tìm một người bạn trên xe buýt, bàiChocolate thể hiện sự thích ăn và cách ăn socola); thứ ba, dân vũ sử thi (bài Uy vũ của Việt Nam nói về văn minh lúa nước với săn bắt hái lượm, bài dân vũ Soran Bushi của Nhật Bản nói về đấu tranh với quái vật). Dân vũ ở mỗi nước có một đặc điểm riêng và mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của đất nước đó vì mỗi bài là một câu chuyện, một hoạt động, lễ hội hay mô hình nào đó. Nó mang tính cộng đồng, có thể có tác giả hoặc do lưu truyền và hoàn thiện qua các thế hệ.
. Dân vũ du nhập vào Việt Nam từ bao giờ và phát triển như thế nào?
+ Dân vũ vào Việt Nam năm 2008, là những bài tập trong chương trình Học kỳ quân đội. Ngoài ra, dân vũ du nhập vào Việt Nam thông qua nhiều hoạt động quốc tế như giao lưu văn hóa của SV, đoàn thể thao… Bài nhảy dân vũ đầu tiên là Té nước của Thái Lan là những động tác đơn giản nhưng cuốn hút được mọi người. Năm 2009, khi Học kỳ quân đội nở rộ, rất nhiều em thích tìm hiểu dân vũ. Sơn bắt đầu nghiên cứu sâu, biết được trên thế giới dân vũ đã phát triển từ lâu như ở Nhật Bản, Philippines, Brazil… Mỗi lần có dịp giao lưu hoặc đi công tác ở nước ngoài, Sơn lại học thêm được vài bài để đem về.
. Nhiều người gọi anh là “bậc thầy” của dân vũ, là người đưa nó về Việt Nam?
+ Điều đó không đúng. Sơn chỉ là một trong những người đầu tiên nghiên cứu và phát triển loại hình này ở Việt Nam. Đến nay, trung tâm Sơn đã huấn luyện dân vũ cho khoảng 300 trường học trên cả nước. Trong đó có 50 trường tại TP.HCM, hơn 10 trường đã đưa dân vũ thành một tiết mục ngoại khóa cho HS-SV. Sơn thông qua các khóa huấn luyện dân vũ cho cán bộ đoàn đội, họ sẽ truyền lại cho đơn vị mình, cứ như vậy nhân lên khắp cộng đồng.
Trị nghiện game online
. Theo anh, điều gì ở dân vũ thu hút giới trẻ hơn các loại hình khác?
+ Thứ nhất, dân vũ là hình thức tập hợp thanh niên thế hệ mới, bật nhạc là cùng nhảy, khi dừng nhạc mọi người gọi thêm bạn bè đến nhảy nên sẽ kết nối bạn bè rất nhanh.
Thứ hai, học dân vũ không chỉ để nhảy giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn học giá trị văn hóa trong đó. Nếu vừa học nhảy vừa tìm hiểu thêm về nội dung và ý nghĩa động tác sẽ có thêm nhiều kiến thức. Như Sơn, học và đi dạy hoài về dân vũ không thấy chán vì càng ngày càng có những bài mới, tiết tấu mới thôi thúc mình tìm hiểu …
Thứ ba, dân vũ giúp phát triển bán cầu não phải. Khi nhảy, nó giúp các bạn giải phóng năng lượng để thể hiện sức mạnh và cái tôi của mình. Từ đó giúp các bạn tránh sự hiếu động và tập trung hơn trong công việc và việc học.
. Tại sao nói “dân vũ là liều thuốc trị game online”?
+ Vì trong dân vũ có liệu pháp số đông kết nối các bạn với nhau và liệu pháp thay đam mê cũ bằng một đam mê mới. Lúc đầu, Sơn mang hiphop để thu hút các bạn rời game nhưng không hiệu quả. Sau đó, khi đưa dân vũ vào, nhiều em rất đam mê để nhảy giải trí, tìm hiểu ý nghĩa văn hóa nên quên dần game. Hiện nay có nhiều em từng nghiện game giờ đang cùng Sơn tìm hiểu và phát triển nhiều bài dân vũ mới.
Phải hiểu mới nhảy đúng
. Học dân vũ khó hay dễ như thế nào?
+ Trong dân vũ, nhớ động tác để nhảy theo không khó nhưng khó ở chỗ phải hiểu nội dung và ý nghĩa động tác. Vì có hiểu mới nhảy đúng và đam mê hơn, nếu không người nhảy dễ thích nhưng cũng dễ quên và dễ chán. Dân vũ có nhiều dạng, có những bài rất bình dị, rất dễ học vì các động tác có trong đời thường, như bài Chocolate thể hiện cách thèm và cách ăn chocolate, bài Uy vũ có động tác cắt lúa và hái quả… Đến khi biết nhịp rồi sẽ học qua những bài cao hơn với nhịp và tiết tấu nhanh, mạnh hơn, đòi hỏi dồn thể lực nhiều hơn, như bài Soran Bushicủa Nhật Bản khó vì động tác dứt khoát mạnh mẽ, mỗi người nhảy là một nghệ nhân. Nếu không đam mê có thể nhiều người sẽ nản lòng.
. Dân vũ ở Việt Nam có gì đặc biệt so với thế giới?
+ Ở Việt Nam, tiết tấu dân vũ hơi chậm nhưng mang âm hưởng hào hùng của dân tộc và có tính kết nối cao. Nổi bật là bài Uy vũ, một sự tổng hợp tất cả những điệu nhảy, thể hiện văn hóa lịch sử dân tộc.
. Tại sao ATY và Nhà văn hóa Sinh viên lại có ý tưởng tổ chức đồng diễn dân vũ vào tháng 9 tới?
+ Nhiều địa phương trên cả nước đã biết về dân vũ và có nhiều hoạt động đồng diễn… Vậy tại sao chúng ta không dùng dân vũ để kết nối họ lại? Có thể họ nhảy chưa đẹp, chưa đều nhưng sẽ để lại ấn tượng và tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu cho mọi người. Với những bài nổi tiếng như Uy vũ, Rasasayang, Soran, Chocolate, Té nước, chương trình hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia và có thể lập kỷ lục về số người tham gia đồng diễn đông nhất.
. Xin cảm ơn anh.
Một số hoạt động dân vũ tiêu biểu
- Ngày 25-9-2011, 1.200 đoàn viên thanh niên cùng tham gia múa dân vũ bài Con cào cào. Chương trình do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức.
- Ngày 26-3-2011, hàng ngàn bạn trẻ tỉnh Đắk Lắk đã trình diễn dân vũ trong lễ hội đường phố với những điệu nhảy nhẹ nhàng, vui nhộn.
- Festival hoa Đà Lạt 2012, tại Quảng trường Lâm Viên, 6.000 thanh thiếu niên đã tham gia dân vũ. Màn biểu diễn đã thu hút nhiều du khách tham gia.
PHẠM ANH
Nguồn: http://phapluattp.vn/2012050311079625p0c1021/dan-vu-mon-an-choi-thoi-thuong.htm
No comments:
Post a Comment